Cá tra Việt Nam: Cần quyết liệt làm mới sản phẩm
Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sụt giảm liên tục và kéo dài. Theo bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tính đến ngày 15/8, giá trị xuất khẩu cá tra khoảng 849 triệu USD, giảm xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2019. EVFTA mang lại cơ hội lớn cho ngành tôm nhưng cũng không ít thách thức cho ngành cá tra.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ 1/1 – 15/8 đạt gần 4,8 tỷ USD giảm 5,9% so vớ i cùng kỳ năm 2019. Trong báo cáo của VASEP tại hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ thủy sản” do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP.Cần Thơ, ngày 19/9/2020, cá tra“ chìm” sâu trong khi tôm tăng 8,5%.
Thị trường Trung Quốc, chỉ mua cá tra từ Việt Nam, giá trị kim ngạch 271 triệu USD, giảm 31,2% so với cùng kì 2019. Thị trường Mỹ và ASEAN giảm giá trị xuất khẩu lần lượt là 143 triệu USD và 85 triệu USD. Thị trường EU giảm 34% (85,6 triệu USD).
Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu xuất khẩu thủy sản của cả nước trong năm nay khoảng 8,3 tỷ USD, giảm 3,9% so với năm 2019.
Hiện nay, chỉ có sản phẩm tôm Việt Nam là được bày bán trong các siêu thị lớn của châu Âu; tuy nhiên chỉ mới tập trung tại các nước Bắc và tây Âu. Khó tìm ra sản phẩm cá tra, cá ngừ tại hệ thống các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Theo bà Tô Tường Lan, đối tác đánh giá sản phẩm cá tra của Việt Nam 90% là hàng thô, không có yếu tố mới. “Nếu không có sự đổi mới, chúng ta cứ bằng lòng với sản phẩm hiện tại thì xuất khẩu cá tra sẽ không thể tăng trưởng”. Bà Lan nói và nhấn mạnh: “Các nhà nhập khẩu nói rằng chúng ta không có sự đổi mới, không có sự khác biệt để họ sẵn lòng mở rộng thị trường với chúng ta. Việt Nam đã có khoảng 20 năm xuất khẩu cá tra, từ con giống tới các khâu nuôi thành phẩm, tăng trọng, truy xuất nguồn gốc, mạ băng… vẫn là vấn đề lâu nay được nói đến. Trong khi đó, câu chuyện cá Tilapia, cá Alaska Pollock (dạng cá thịt trắng như cá tra Việt Nam) chỉ sụt giảm từ 10-15%, còn cá tra Việt Nam giảm tới 30%. Những loại cá giữ được thế cạnh tranh nhờ họ xây dựng thương hiệu gắn với thiên nhiên, cá thịt trắng tốt…”
Tại Cần Thơ, Công ty Minh Đức Thành đã phát triển thêm nhiều sản phẩm giúp nâng cao giá trị gia tăng và đẩy mạnh tiêu thụ cá quá lứa ở thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu các quán ăn và gia đình. Công ty đã hình thành nhiều sản phẩm cá tra mang thương hiệu KOCANA như: cá tươi sống, khô 1 nắng, phi lê sấy khô, khô tẩm sấy ăn liền… Hiện nay là cá “đô” hắc xì dầu, cá ép khuôn sả ớt, cá tẩm ớt… Năm ngoái, những con cá tra quá lứa được nuôi theo công thức riêng, có trọng lượng 25-30kg/con được Công ty Minh Đức Thành, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, xẻ thịt bán giá 350.000 đồng/kg.
“Lâu nay thị trường xuất khẩu chỉ chuộng loại cá nhỏ, cá lớn gần như không xài tới. Nhưng cá tra được nuôi ở đuôi cồn Tân Lộc, trọng lượng 6-10 kg, chất lượng thịt ngon một trời một vực với cá tra phi-lê 800gr -1kg/con”, ông Nguyện Minh Phương, giám đốc Công ty KOCANA nói.
Tuy nhiên, những cố gắng riêng lẻ dễ bị sao chép và khi đã quá giống nhau thì không còn gì hấp dẫn. Theo VASEP, Bộ NN – PTNT cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu và chiến lược chất lượng quốc gia cho cá tra Việt Nam.
Theo: BSA Online