Lực đẩy Kocana

Cùng lúc có 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao , Công ty TNHH TMV TM Minh Đức Thành sẽ tiếp tục nâng cấp cho 5 sản phẩm còn lại, cũng từ nguồn nguyên liệu cá tra mang thương hiệu Kocana.
 

Tháng 4/2022, khô cá tra một nắng và khô cá tra sấy ăn liền của Kocana đạt sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL. Bộ sản phẩm chủ lực Kocana gồm khô cá tra một nắng, cá tra fillet sấy khô, khô cá tra sấy chín ăn liền, khô cá lóc một nắng, cá lóc fillet sấy khô, cá rô phi fillet sấy khô và cá sặc rằn sấy khô được kiểm soát theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, được chấp nhận và có giá trị trên phạm vi toàn cầu.

Ông Nguyễn Minh Phương hạnh phúc khi 2 sản phẩm Cty Minh Đức Thành được nâng hạng OCOP vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Minh Phương hạnh phúc khi 2 sản phẩm Cty Minh Đức Thành được nâng hạng OCOP vùng ĐBSCL.
 

Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Minh Đức Thành, nổi tiếng về cách ẩn nhẫn đột phá, cho biết: Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng cá tra bị đứt gãy, hiện nay chỉ mới khôi phục 10%. Cũng như những trang trại nuôi cá tra khác, hai năm qua là thời gian đen tối nhất. Nhưng ngành cá tra và sản phẩm thương mại đã được các doanh nghiệp dày công tạo dựng thị trường nên phải tập trung sức phục hồi.

Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu từ 32.000- 34.000 đ/kg. Với những ao nuôi đạt chuẩn VietGAP, ông Phương có nhiều lựa chọn trong cách chào bán nguyên liệu và tự tổ chức sản phẩm OCOP.

“Ngay từ đầu, tôi muốn mình sản xuất một cách bài bản, sản phẩm có uy tín, được đi xa hơn nên rất chú trọng tiêu chuẩn ATTP”, ông Phương nói về quyết định thực hiện quy trình chuẩn hóa từ ao nuôi vô phân xưởng chế biến. Đối với ông, từ một trang trại ương cá giống, cá thương phẩm đầu tư chế biến là chuyện xưa nay hiếm. Nhưng đó là tầm nhìn và quyết định đầu tư chế biến là lối thoát thứ hai bên cạnh việc cung ứng nguyên liệu dễ bị động khi đầu ra tắt nghẽn.

Sấy là giải pháp đầu tiên được chọn lựa, nhưng không thể phơi sấy theo cách làm thông thường. Ông đã tự nghiên cứu, đầu tư vào hệ thống “ bơm nhiệt – hút ẩm” trong quy trình sấy của Công ty Minh Đức Thành. Thời điểm ấy trang bị một máy sấy tốn 800 triệu đồng, đó là số vốn rất lớn nên ông tự mài mò nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy theo nguyên lý của Nhật rồi tự chế hệ thống sấy, kéo chi phí xuống gần 10 lần. Công suất sấy 1 tấn khô mỗi ngày, cứ 2 tấn nguyên liệu cho ra 1 tấn khô thành phẩm. Đối với loại khô 1 nắng mất khoảng 4 tiếng để sấy, 2 nắng khoảng từ 8 đến 9 tiếng. Giờ đây, với thiết bị tự thiết kế, ông có thể kiểm soát chi phí giá thành sản xuất, giải quyết nguồn nguyên liệu đa dạng và có hai lối đi vào thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tư duy “hệ sinh thái” của doanh nghiệp

Từ vỏn vẹn có 1ha ao nuôi lúc ban đầu (2015), hiện nay, ông Phương đang vận hành 20 ha ao, bè, vèo. Với nguồn nguyên liệu có sẵn, thay vì làm khô truyền thống, ông Phương phân loại nguyên liệu, tẩm ướt gia vị, tận dụng cả da, thịt xắt nhỏ, phi lê và phần xương khi làm thành món chiên giòn hay một – hai nắng

“Bao bì sản phẩm bình thường, chưa bắt mắt. Các kênh truyền thông của công ty chưa hiệu quả”, ông Phương thừa nhận: “Kocana vẫn còn nhiều thách thức do bộ máy vận hành thiếu trước hụt sau; có 4 nhân viên chính thức (2 nhân viên ở trại nuôi, 2 nhân viên ở văn phòng), không có người đủ năng lực làm PR nên sau khi bình thường hóa các hoạt động phục hồi kinh tế, cũng vì thiếu nhân lực, chuyên môn mà Kocana vuột mất cơ hội xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc”.

Công ty Minh Đức Thành đang củng cố lại hệ thống nhận diện thương hiệu Kocana, thay đổi, nâng cấp bao bì, mẫu mã, xác định rõ khách hàng tiềm năng để xây dựng các trọng điểm PR. Cùng lúc sẽ tìm thêm nhân lực có chuyên môn, nâng cấp công xưởng sản xuất theo chuẩn quốc tế và tâp trung chỉn chủ sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn nâng hạng 5 sao.

Ước muốn là động lực

Ước muốn của ông Phương hiện giờ là đưa các sản phẩm Kocana lên bàn ăn Việt, mở rộng thị trường đến các thành phố, các tỉnh trong cả nước, kết hợp Kocana với các sản phẩm khác để tạo thành một bữa tiệc vui vẻ. Cách làm này sẽ giải được bài toán khó “cá quá lứa”- hậu quả sau hai năm bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông Phương thử nghiệm nuôi cá trong vèo.
Ông Phương thử nghiệm nuôi cá trong vèo.
 

Năm 2015-2016, hệ thống trang trại thuỷ sản đạt chứng nhận VietGAP, sản lượng 8.000 tấn/năm, ông Phương nhớ lại: Vào thời điểm ấy, thị trường cá tra đang dãn nở  nhưng tình trạng cá bố mẹ còn bị nhiễm bệnh. Chưa kể tình trạng giao phối cận huyết khiến tỷ lệ hao hụt cá giống từ 20 – 25%, thậm chí lên đến 60%. Hiện nay, tình trạng thiếu hụt con giống đúng chuẩn đang quay trở lại.

“Minh Đức Thành cố gắng đạt được mục tiêu tạo ra sản phẩm sạch tươi ngon, xem đó như đẳng cấp để nâng tầm cá Việt trên thị trường. Trong đó, có lẽ phải trở lại thị trường cá giống, tăng nguồn cung con giống chất lượng cho cộng đồng phát triển ngành hàng tỷ đô (USD) này ”, ông Phương nói và đó chính là động lực đẩy ông tới trước.

Theo: Nhịp Sống Miền Tây